Bài tuyên truyền của Giáo viên xây dựng trường học LTLTT

Thứ năm - 21/05/2020 09:39
“Vì lợi ích mười năm trồng cây
Vì lợi ích trăm năm trồng người”
Sự nghiệp trồng người đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó ngành Giáo dục - Đào tạo giữ vai trò then chốt, chính vì vậy Đảng và nhà nước ta đã có những đường lối chính sách ưu tiên cho giáo dục phát triển. Và trong những năm gần đây, giáo dục mầm non ngày càng nhận được sự quan tâm một cách đặc biệt của toàn xã hội bởi xã hội đã nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của bậc học này với sự phát triển của con em mình nói riêng và với toàn xã hội nói chung “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai” để có một ngày mai tươi sáng, thì ngay từ hôm nay, trẻ em cần phải được chăm sóc và giáo dục để phát triển một cách toàn diện.
Chính vì thế ngay từ lứa tuổi mầm non, trẻ cần phải được dạy như thế nào? Làm thế nào để trẻ phát huy được tính tích cực chủ động và phải có những chiến lược nuôi dưỡng, bồi đắp như thế nào để hỗ trợ kịp thời sự phát triển trí tuệ, nhân cách, sớm giúp trẻ thành công? Vì thế việc rèn luyện cho trẻ có được một tính cách mạnh dạn, tự tin là rất quan trọng và cần thiết. Khi trẻ mạnh dạn, trẻ có thể tham gia vào các hoạt động tập thể. Khi trẻ mạnh dạn, trẻ có thể tự tin trước đám đông và tự xử lý các tình huống. Trẻ mạnh dạn khiến cha mẹ yên tâm và là tố chất thiết yếu cho những thành công của trẻ trong tương lai.
Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời.
Như chúng ta đã biết môi trường giáo dục trong trường mầm non là hết sức cần thiết nhằm thỏa mãn nhu cầu học tập, vui chơi của trẻ, thông qua đó nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện, chính vì vậy khi xây dựng môi trường học tập cần phải hướng vào trẻ. Việc "Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm" trong giáo dục mầm non là không thể thiếu vì đây là môi trường giáo dục đầu tiên mà trẻ được tiếp xúc, trẻ được chủ động, tích cực tham gia vào các hoạt động vui chơi, khám phá, trải nghiệm,...
Có thể nói việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu chuyên đề xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm là thực sự cần thiết và rất quan trọng. Việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm được ví như người giáo viên thứ hai trong công tác tổ chức, hướng dẫn cho trẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Môi trường giáo dục trong trường mầm non là tổ hợp những điều kiện tự nhiên, xã hội cần thiết trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường mầm non. Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp góp phần thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. thông qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.
I. THỰC TRẠNG:

٭Thuận lợi:

 Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Dầu Tiếng, Ban giám hiệu nhà trường về mặt chuyên môn, thường xuyên chỉ đạo sát sao việc đổi mới hình thức phương pháp giáo dục trẻ cũng như cơ sở vật chất, sự ủng hộ nguyên vật liệu làm đồ dùng đồ chơi của phụ huynh.
 Là trường Mầm non nằm ở địa bàn tương đối thuận lợi cho trẻ đi lại và 
đảm bảo các điều kiện cho trẻ được học tập, vui chơi, trải nghiệm,... 

 Bản thân là giáo viên chịu trách nhiệm chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ  4 - 5 tuổi, kiêm nhiệm TTCM nhiều năm, luôn tâm huyết với nghề, mến trẻ, ham học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, luôn tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên học tập lẫn nhau qua các buổi thao giảng, dự giờ, sinh hoạt chuyên đề.
 Trẻ lớp tôi đa số đã học qua lớp mẫu giáo 3- 4 tuổi, đi học đều, sinh hoạt có nề nếp.

٭ Khó khăn:                                                                                      

 Đa số trẻ được nuông chiều quá mức, trẻ được sống trong môi trường quá bao bọc khiến trẻ quen dựa dẫm, không có tính tự lập, ích kỷ, lãnh cảm với môi trường xung quanh, trẻ bị ảnh hưởng bởi cuộc sống hiện đại như: Internet, tivi, các trò chơi điện tử,...các cháu còn bỡ ngỡ và nhút nhát, khả năng tiếp thu bài chậm, các kiến thức, kỹ năng trong các hoạt động thực hành, trải nghiệm với môi trường còn hạn chế.
 Các thiết bị dạy học, giáo cụ trực quan phục vụ cho quá trình khám phá, trải nghiệm chưa phong phú, hấp dẫn về chủng loại, màu sắc, chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
 Đa số phụ huynh làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ nên việc quan tâm chăm sóc con em của một số phụ huynh còn hạn chế. Phần lớn phụ huynh chưa nắm rõ quan điểm giáo dục hiện nay.
 Căn cứ vào đặc điểm tình hình và các điều kiện thuận lợi khó khăn qua việc theo dõi các hoạt động trong ngày của trẻ cùng với việc tổ chức cho trẻ tham gia một số hoạt động, tạo cơ hội cho trẻ được vui chơi, trải nghiệm, thực hành, sáng tạo,...qua các hoạt động để đánh giá trẻ bao gồm các kỹ năng quan sát, so sánh, phân loại, thực nghiệm, khả năng phán đoán, suy luận,..
 Năm học 2019 - 2020 để thực hiện tốt chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" . Bản thân là giáo viên chịu trách nhiệm chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục trẻ  4 - 5 tuổi, kiêm nhiệm TTCM nhiều năm, luôn tâm huyết với nghề, mến trẻ đã thực hiện một số biện pháp cụ thể như sau:
II. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
1. Để thực hiện tốt chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" . Tôi luôn có ý thức tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn cho bản thân.
Bản thân luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học tự bồi dưỡng, tham gia đầy đủ các buổi bồi dưỡng chuyên môn do Sở. Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức, các buổi sinh hoạt chuyên môn tại trường. Luôn có ý tìm tòi và sưu tầm những trò chơi hay lạ, những đề tài khám phá để hướng trẻ quan sát thử nghiệm, sáng tạo trong đồ dùng đồ chơi với các nguyên vật liệu đơn giản, gần gũi xung quanh trẻ mà hiệu quả và nâng cao yêu cầu từ trò chơi đó. Luôn có hướng thay đổi các đồ dùng đồ chơi, nguyên vật liệu mới mẻ, phong phú để tạo hứng thú, thu hút trẻ tham gia hoạt động. Ngoài ra, tôi còn tìm kiếm những tài liệu, sách vở về đổi mới phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm qua các hoạt động trải nghiệm. Qua đó tôi đã nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý của từng trẻ, tôn trọng ý kiến và luôn gợi mở, tạo cơ hội để trẻ nói lên ý kiến, suy nghĩ của mình qua các hoạt động.
Tham gia học tốt bồi dưỡng thường xuyên theo kế hoạch của nhà trường với vai trò là trưởng nhóm, tích cực đóng góp ý kiến, xây dựng bài học, tham gia thảo luận cùng với các đồng nghiệp trong nhóm. Ngoài việc tự học trên sách vở, tài liệu tôi còn học trên những trang mạng xoay quanh các phương pháp giáo dục trẻ mầm non qua mỗi chủ đề tôi thường đăng ký dạy thao giảng để Ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp dự giờ, thông qua các hoạt động tôi được nghe ban giám hiệu, đồng nghiệp góp ý rút kinh nghiệm. Từ đó tôi rút ra được những kinh nghiệm cho bản thân trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và việc vận dụng lấy trẻ làm trung tâm thông qua các hoạt động trải nghiệm vào quá trình chăm sóc giáo dục trẻ.
2. Nắm vững các kỹ thuật sử dụng từng phương pháp trong chăm sóc giáo dục trẻ.
 Giáo viên cần thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật của từng phương pháp, có như thế thì mới nâng cao được hiệu quả tổ chức các hoạt động cho trẻ. Các kỹ thuật này bao gồm: Kỹ thuật chia nhóm, kỹ thuật giao nhiệm vụ, kỹ thuật đưa ra tình huống có vấn đề, kỹ thuật đặt câu hỏi,...Cụ thể về kỹ thuật đặt câu hỏi thì giáo viên cần chú ý tới một số yêu cầu như sau: Câu hỏi phải liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu bài học, câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng dễ hiểu, đúng lúc, đúng chỗ, phù hợp nhận thức của trẻ, câu hỏi phải kích thích sự suy nghĩ của trẻ nhằm khuyến khích sự phát triển nhận thức và ngôn ngữ, không ghép nhiều nội dung trong một câu hỏi, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc nên dành thời gian cho trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán, so sánh, sử dụng câu hỏi gợi mở, câu hỏi kích thích trẻ tư duy nhằm dẫn dắt trẻ suy nghĩ và giúp trẻ nói lên được về những gì trẻ đang nhìn thấy, nên gợi ý cho trẻ chia sẻ, bày tỏ ý kiến của mình, cùng nhau trao đổi để tìm hiểu, khám phá đối tượng. Bên cạnh đó giáo viên cần tạo cho trẻ môi trường hoạt động phong phú, hấp dẫn với các đồ dùng, đồ chơi và các nguyên vật liệu khác nhau để kích thích hứng thú khám phá của trẻ.
3. Xây dựng môi trường nhóm lớp.
Bố trí sắp xếp các góc bên trong và ngoài lớp học phù hợp, tiện lợi, đa dạng, phong phú, tạo môi trường cho trẻ khám phá trải nghiệm.
Trong giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, thì môi trường học tập có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc học tập và tiếp thu kiến thức của trẻ. Trẻ em vốn rất hiếu kỳ, trẻ rất tò mò mong muốn được khám phá tất cả mọi vật xung quanh trẻ. Những hình ảnh, những ấn tượng mà trẻ thu nhận được trong những năm tháng tuổi thơ sẽ khắc sâu trong trí nhớ suốt cả cuộc đời của trẻ, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển sau này của trẻ. Chính vì vậy, tôi luôn tâm niệm sẽ trang bị cho trẻ một thế giới tự nhiên, một môi trường học tập tốt nhất ở ngay tại khu vực lớp và trường của trẻ.
* Xây dựng môi trường bên trong nhóm lớp:
Cùng với toàn ngành thực hiện phong trào“Xây dựng trường học thân thiện- học sinh tích cực” tiếp tục duy trì thực hiện chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”giai đoạn (2016 -2020) với nội dung trọng tâm “Đổi mới việc tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” Tôi luôn làm đẹp môi trường lớp học từ cách bố trí, sắp xếp góc kệ trong lớp, trưng bày đồ dùng, đồ chơi sao cho hấp dẫn đẹp mắt mà vẫn gọn gàng ngăn nắp từng góc riêng biệt. Mỗi góc tôi đều làm mới, trang trí các góc mở cho trẻ được trải nghiệm và tham gia hoạt động
Ví dụ: mảng tường trên lớp tôi trang trí các hình ảnh làm nổi bật chủ đề được xây dựng dưới dạng mở để cho trẻ cùng khám phá, trải nghiệm và giúp cô trang trí,...cho trẻ tự thực hiện trên các mảng tường đó, trẻ rất hứng thú và thông qua các hoạt động đó nhằm phát huy tính tích cực chủ động cho trẻ một cách rất nhẹ nhàng và có hiệu quả.
Đối với giá góc đồ chơi, cuối tuần tôi thường tổ chức cho trẻ thi đua lau dọn, sắp xếp đồ chơi gọn gàng. Nhờ vậy, qua mỗi lần tổ chức hoạt động vui chơi, trẻ chơi xong biết thu dọn đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp.
Xây dựng các góc hoạt động khác nhau trong lớp nhằm tạo điều kiện cho trẻ hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm nhỏ được nhiều hơn, hình thức hoạt động phong phú, đa dạng hơn. Giúp trẻ tìm hiểu và khám phá cái mới và rèn luyện các kỹ năng.
 Ví dụ: Trong lớp tôi đã bố trí các góc như sau: Góc phân vai và góc xây dựng tôi sắp xếp khu vực phía trong, góc xây dựng tránh xa nơi đi lại. Góc thư viện và góc học tập tôi bố trí gần cửa sổ bên ngoài lớp để trẻ có không gian, ánh sáng.
 Góc thiên nhiên (Bé vui làm thí nghiệm nhỏ), góc bé thích vận động tôi đã tận dụng hiên trước của lớp cho trẻ hoạt động thoải mái tránh sự ồn ào cho các góc khác, tiện lợi cho trẻ khám phá, chăm sóc cây, hoa…Khu vực trên cửa ra vào tôi bố trí các góc lễ giáo, cách chào hỏi cô và các bạn khi đến lớp, góc phụ huynh cần biết, góc bên trong là máy vi tính, màn hình ti vi tương tác, bảng bé ngoan chính diện. Góc nghệ thuật được bố trí cạnh cửa sổ bên ngoài cạnh góc trưng bày sản phẩm của trẻ. Bên cạnh việc sắp xếp các góc tôi còn tạo ranh giới giữa các góc hoạt động như: Tận dụng các giá đồ chơi tạo ranh giới giữa các góc và tạo không gian chơi cho trẻ, mỗi góc tôi đều đưa ra bảng quy tắc góc chơi cho trẻ biết các quy tắc trước và sau khi chơi, thảo luận vai chơi, bố trí sắp xếp đồ dùng đồ chơi, tuân thủ các quy tắc trong góc chơi. Qua cách bố trí, sắp đặt các khu vui chơi, các góc chơi ở lớp mình tôi nhận thấy trẻ hoạt động tích cực hơn, có hiệu quả cao hơn. Trẻ được trao đổi giao lưu với nhau thoải mái mà không ảnh hưởng đến các góc khác. Trẻ có không gian riêng tư yên tĩnh để hoạt động, thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của trẻ.
 Trang trí lớp theo hướng mở, linh hoạt. Trang trí mục đích là phối hợp giữa các mảng hình màu sắc, đường nét, sao cho cân đối hài hòa, hợp lý trong một không gian nhất định. Đối với trẻ mầm non việc trang trí lớp thì hình ảnh không chỉ đẹp, ngộ nghĩnh, màu sắc bắt mắt, mang tính giáo dục mà còn phải phù hợp với chủ đề, với từng góc chơi, với nội dung chơi của trẻ, đáp ứng được nhu cầu khám phá, sáng tạo, tính tò mò thích cái mới, cái lạ của trẻ. Từ đó tôi đã trang trí các góc chơi ở lớp mình một cách sáng tạo theo hướng mở, linh hoạt. Khi trẻ tham gia hoạt động ở các góc chơi, từ một góc chơi trẻ có thể tùy ý đổi nội dung chơi, hình ảnh, biểu tượng chơi một cách sáng tạo.
 Ví dụ: Ở góc học tập ngoài trang trí hình ảnh cây hoa sinh động, đẹp mắt và hình ảnh chú Bọ thông minh tôi trang trí thêm một mảng bài tập số đếm với những hình ảnh trẻ tự lựa chọn và sắp xếp theo đúng số lượng.
 Ngoài ra tôi còn bố trí mảng bài học tư duy giúp trẻ suy nghĩ khi thực hiện bài tập này. Hai mảng trong góc này tôi thường xuyên thay đổi nội dung chơi phù hợp với chủ đề nhằm phát triển tư duy cho trẻ và thu hút trẻ tham gia chơi một cách hứng thú, tự nguyện.

* Xây dựng môi trường bên ngoài nhóm lớp:

Để thỏa mãn nhu cầu chơi, kích thích tính tò mò, ham hiểu biết của trẻ tôi không chỉ trang trí trong lớp học mà tôi còn trang trí khu vực hiên chơi bằng hình ảnh bắt mắt để phục vụ cho trẻ sinh hoạt hằng ngày được xây dựng theo hướng lấy trẻ làm trung tâm nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Từ đó phát triển toàn diện cho trẻ về thể chất, thẩm mỹ, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm xã hội và kỹ năng sống cho trẻ. Từ cách trang trí đó mà trẻ lớp tôi hoạt động tích cực, hứng thú, say mê, không còn nhàm chán, rập khuôn, máy móc như trước nữa.
Trước mỗi lớp học có bảng tuyên truyền các bậc cha mẹ với tiêu đề “Những điều phụ huynh cần biết” Tôi sưu tầm các bài tuyên truyền giáo dục các kỹ năng, các hoạt động trải nghiệm cho trẻ được in trên trang mạng, hay trên sách báo để dán ở góc tuyên truyền dành cho cha mẹ trong đó gồm có các nội dung tuyên truyền về dịch bệnh, về giáo dục các knăng tự phục vụ theo chủ đề,... Các nội dung được trang trí đẹp mắt và nổi bật gây được sự chú ý của các bậc phụ huynh khi đưa đón trẻ.
       Để tạo điều kiện cho trẻ thường xuyên được khám phá môi trường xung quanh thông qua hoạt động thực tiễn thì điều kiện khuôn viên trong trường và ngoài trường cần đảm có đủ các yêu tố cho trẻ trải nghiệm khám phá thực tế theo yêu cầu cho phép
Ví dụ: Trẻ được tìm hiểu các loại rau (rau muống, rau cải, rau ngót,..) trong vườn trường có trồng vườn rau xanh trẻ sẽ được đi tham quan, quan sát và tìm hiểu về ( đặc điểm, công dụng, môi trường sống…) của các loại rau đó. Sau đó trẻ cùng thực hành nhổ cỏ, bắt sâu, tưới nước cho vườn rau, trẻ sẽ rất hứng thú qua hoạt động khám phá thế giới xung quanh bằng vật thật từ đó trẻ sẽ được trực tiếp trải nghiệm, góp phần phát huy khả năng nhận thức của trẻ.
Trẻ được tự do tham gia các khu vui chơi thực hành trải nghiệm sáng tạo, khu mua sắm của bé, khu làm đẹp của bé, khu bé vui ca hát, thư viện của bé,...
        4. Xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thông qua các hoạt động giáo dục.
Xây dựng kế hoạch là một biện pháp quan trọng trong quá trình thực hiện những việc cần làm của giáo viên. Bằng trải nghiệm thực tế Học bằng chơi - chơi mà họcˮ Việc lập kế hoạch giáo dục giúp tôi thực hiện đúng mục tiêu giáo dục một cách đầy đủ, có hệ thống, giúp tôi dự kiến trước nội dung, thời gian để tổ chức các hoạt động một cách hiệu quả, thông qua các hoạt động đã tạo cho các bé niềm hứng thú tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Khi va chạm với các tình huống trong thực tế, trẻ dễ dàng thể hiện cảm xúc, những kỹ năng xử lý các tình huống giúp trẻ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, vừa giúp giáo viên nhận biết tính cách, sở trường của từng trẻ để điều chỉnh và có những biện pháp giáo dục phù hợp trong quá trình dạy học.
Dựa vào kinh nghiệm sống của từng trẻ ở lớp bản thân tôi đã xây dựng kế hoạch để thực hiện ở lớp như sau: Khác với những hoạt động khám phá trước kia chỉ tổ chức trong lớp học, hiện nay những hoạt động lên lớp của giáo viên đã có nhiều thay đổi, linh hoạt và phong phú hơn. Trẻ được học ngay tại sân trường, khám phá những hiện tượng, sự vật có ngay trong khuôn viên của nhà trường, như hoạt động khám phá về nước, sỏi, cát - giáo viên sử dụng ngay khu vui chơi cát sỏi, trẻ học được qua chơi, thực hành, quan sát mình làm, bạn làm,.. qua đó trẻ sẽ đúc kết được những kinh nghiệm qua thực thực tế.
5. Làm và sử dụng đồ dùng đồ chơi hiệu quả.
Tạo cơ hội, khuyến khích trẻ có thể sử dụng các nguyên vật liệu ở các góc chơi sáng tạo theo nhiều cách khác nhau. Đối với trẻ mầm non, đồ dùng đồ chơi là thứ không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ. Thông qua đồ dùng đồ chơi trẻ có thể tìm tòi, khám phá, trẻ được thao tác với các đồ vật. Chuẩn bị đồ dùng, học liệu đa dạng, hấp dẫn tận dụng những nguyên vật liệu, phế liệu từ thiên nhiên và có sẵn ở địa phương. Trên thị trường có rất nhiều đồ dùng, đồ chơi cho trẻ mầm non, đa dạng về hình dáng màu sắc, phong phú về chủng loại. Nhưng không phải các loại đồ dùng, đồ chơi mua sẵn lúc nào cũng đẹp, lúc nào cũng tốt, chúng không phong phú về chất liệu mà lại tốn kém về kinh phí. Hơn nữa không phải trường mầm non nào cũng có đủ điều kiện để mua tất cả các đồ dùng, đồ chơi có sẵn để phục vụ nhu cầu của trẻ, đặc biệt trẻ lại thích cái đẹp, cái mới lạ, thích khám phá. Để đáp ứng nhu cầu của trẻ ngoài bộ đồ dùng đồ chơi được nhà trường cấp phát, tôi đã chuẩn bị thêm đồ dùng, học liệu đa dạng, hấp dẫn, tận dụng phế liệu và vật liệu từ thiên nhiên để trẻ hoạt động hứng thú, tích cực hơn. Muốn cho trẻ hoạt động hiệu quả, tích cực thì ngay từ đầu năm học tôi đã lên kế hoạch cho việc làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ ở các góc, không làm một cách chung chung mà vạch ra rõ ràng cụ thể cho việc làm đồ dùng đồ chơi. Kế hoạch cụ thể trước tiên tôi rà soát lại đồ dùng đồ chơi trong lớp, những đồ dùng nào có thể mua sắm, những đồ dùng nào cần làm bổ sung thì tôi bổ sung từ từ theo từng chủ đề, đồ chơi nào cần thiết bổ sung trước.  
Những đồ chơi mua sẵn trẻ chơi máy móc, nhàm chán không sáng tạo. Nên tôi đã tận dụng các nguyên vật liệu, phế liệu có sẵn ở địa phương dễ kiếm, dễ tìm như: Bìa carton, xốp, đĩa CD cũ, giấy màu, chai nhựa, vỏ hộp sữa chua, vải vụn, vỏ sò, vỏ hến, vỏ óc, hạt gấc, hạt xoài, vỏ cây, lá cây,...để làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ. Tất cả những nguyên vật liệu này cần đảm bảo tính an toàn, không gây độc hại, không sắc nhọn, không nặng nề đối với trẻ tạo cơ hội, khuyến khích trẻ có thể sử dụng nguyên vật liệu, học liệu các góc chơi theo nhiều cách sáng tạo khác nhau, qua đó giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Từ những nguyên vật liệu trên tôi đã làm mà còn khuyến khích trẻ tham gia chuẩn bị. Qua việc chuẩn bị đồ dùng, đồ chơi làm từ những nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương tôi nhận thấy đồ dùng cho trẻ hoạt động của lớp tăng lên về số lượng, phong phú đa dạng về màu sắc, chủng loại, chất liệu, kiểu dáng,...Trẻ hứng thú, tích cực hơn nhiều trong các hoạt động, qua đó còn giáo dục trẻ biết tiết kiệm, bảo vệ môi trường.

6. Tổ chức các hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thông qua các hoạt động được Ban giám hiệu, đồng nghiệp và phụ huynh đánh giá cao.

Tổ chức các hoạt động cho trẻ có nghĩa là tạo tất cả mọi cơ hội để cho trẻ tự tham gia giao tiếp, suy nghĩ, trao đổi với bạn và với cô. Dưới sự khuyến khích, định hướng của giáo viên gợi mở giúp trẻ tìm hiểu kiến thức hoặc giải quyết các tình huống trong quá trình hoạt động, giúp trẻ học qua thực tế bằng kinh nghiệm, lắng nghe, làm thử để tự khám phá bằng cách đối diện với các vấn đề trong cuộc sống và giải quyết vấn đề đó trên kinh nghiệm của trẻ.
Tôi thiết kế các thí nghiệm vui từ đó khuyến khích trẻ để trẻ tự do thao tác trên đồ dùng, giúp trẻ trải nghiệm, khám phá đây cũng là cây cầu nối giúp trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh.
* Ví dụ chủ đề:  Bản thân.
+ Thí nghiệm: Tai ai thính
- Mục đích yêu cầu: Trẻ dùng cơ quan thính giác và xúc giác để cảm nhận được những đồ vật xung quanh mình
- Chuẩn bị: trống lắc, dụng cụ âm nhạc, bình tưới, ca mũ,.
- Thực hành: theo nhóm, mỗi nhóm có 5 - 6 bạn.
Một trẻ nhắm mắt lại và lấy bất kỳ dụng cụ gì ở trong nhóm, rồi lắc xem có tiếng động gì không, sau đó đoán xem đó là dụng cụ gì và tiếng kêu đó là gì?
- Ở thí nghiệm này trẻ đã được dùng “cơ quan thính giác”, “cơ quan xúc giác” của mình để trải nghiệm.
* Ví dụ chủ đề: Gia đình.
+ Thí nghiệm: vật nổi, vật chìm.
- Đầu tiên Tôi chỉ chuẩn bị những đồ dùng đơn giản như : bi, sỏi, lá cây, con vịt đồ chơi bằng nhựa,…và thực hiện thí nghiệm cho trẻ xem, hỏi trẻ vì sao vật nổi? vì sao vật chìm? Tôi thấy trẻ cũng có hứng thú nhưng chưa nhiều.
Và cũng là thí nghiệm đó tôi đã nêu yêu cầu cho trẻ tự chuẩn bị nhiều đồ dùng khác nhau như : một số vật chìm trong nước (thìa nhôm, kẹp giấy, cốc sứ, hòn bi, sỏi…) một số đồ dùng nổi trong nước (bóng nhựa, cốc nhựa, mút xốp, đồ chơi bằng nhựa, lá cây…) và những gì mà trẻ có thể tìm thấy được. Sau đó chia trẻ ra 5 nhóm nhỏ cùng làm thí nghiệm. Để bắt đầu làm thí nghiệm tôi hỏi trẻ: Con đã chuẩn bị được những đồ dùng gì? (cho trẻ quan sát vật đã chuẩn bị và gọi tên)
- Bây giờ con sẽ làm gì với chúng? Cô đưa ra từng vật cho trẻ xem và yêu cầu trẻ nói : tên nguyên vật liệu làm ra thứ đó, đoán xem vật này nổi hay chìm.
- Chú ý quan sát và xem điều kì diệu gì sẽ xảy ra nha.
Sau đó từng nhóm  sẽ cùng thảo luận và nói lên nhận xét của mình.
Từng nhóm tiến hành thí nghiệm và quan sát, thảo luận vì sao vật nổi, vì sao vật chìm? (so sánh chất liệu của những vật đó) và từ đó rút ra kết luận. Như so sánh giữa quả bóng và đồng xu (vì sao quả bóng to lại nổi và đồng xu lại chìm) gợi ý cho trẻ giải quyết vấn đề và đưa ra kết luận. Cho trẻ để riêng những vật nổi và những vât chìm, tiếp đó cô giải thích vì quả bóng bằng nhựa - đồng xu bằng kim loại. Vì thế nếu vật làm bằng nhựa thì dù to như thế nào cũng nổi trong nước. Ta vận dụng được gì nào? Khi chơi trò chơi thả thuyền với những vật nổi trên nước như lá cây, giấy, nhựa…Và trong sinh hoạt hàng ngày như làm áo mưa, áo phao, phao bơi vì nó nổi được trong nước. Giáo dục cháu những vật bằng kim loại sẽ chìm vì thế không nên ném những vật bằng kim loại xuống hồ sẽ không lấy lên được
Qua thí nghiệm này trẻ được nhận thức về đồ vật và chất liệu một cách dể dàng. Khi trẻ được tự mình làm tôi thấy trẻ rất hứng thú.
* Ví dụ chủ đề:  Tết và mùa xuân – HTTN.
+ Thí nghiệm: Sự bốc hơi của nước
- Mục đích yêu cầu: Qua thí nghiệm trẻ biết được vì sao nước bốc hơi
- Chuẩn bị: Giấy, màu nước, cọ
- Tiến hành: Cho màu vào 1 cốc nước, dùng cọ khuấy điều. Sau đó đặt 1 mảnh giấy lên bàn, dùng cọ vẽ bất kỳ theo ý thích lên mảnh giấy. để mảnh giấy ra ngoài nắng ta thấy mảnh giấy sẽ từ từ khô ráo không còn những màu nước đã vẽ lên giấy.
* Kết luận: Qua thí nghiệm này các con biết được điều gì?
Nước khi gặp ánh nắng mặt trời nóng nó hút hơi nước lên làm cho mảnh giấy khô ráo.
Cũng giống như nước ở ngoài trời khi trời nóng thì nước bốc hơi lên cao gặp không khí lạnh tụ lại thành mây và khi mây nặng sẽ rơi xuống đất tạo thành mưa. Ở thí nghiệm này tôi giúp cho trẻ biết hiện tượng “vì sao có mưa?”
 Qua đó tôi kể cho trẻ nghe câu chuyện “Giọt nước tí xíu “, tiếp tục  nói về vòng tuần hoàn của nước. Qua thực nghiệm này giúp trẻ hứng thú khi tìm hiểu về sự tuần hoàn của nước trong tự nhiên. Ngoài ra ở các hoạt đông khác như hoạt động vui chơi, hoạt động chiều, hoạt động đón và trả trẻ…tôi đã cùng trẻ vẽ tô màu, xé dán vòng tuần hoàn của nước theo những gì trẻ đã quan sát được.
Tôi còn dành một góc riêng cho trẻ tiến hành thí nghiệm như ở hoạt động ngoài trời và hoạt động vui chơi để trẻ có thể tiến hành thí nghiệm ở mọi lúc mọi nơi.
+ Thí nghiệm:  Sự phun trào của núi lửa
- Mục đích yêu cầu: Trẻ biết hiện tượng kết tủa, biết núi lửa phun trào.
- Chuẩn bị: Nước, bột sođa, màu thực phẩm, giấm, mô hình núi lửa, nước rửa chén…
- Tiến hành: Cô giới thiệu đồ dùng trong rổ. (Chai nước, bột sođa, màu thực phẩm, giấm, nước rửa chén, mô hình núi lửa …)
Cô cho trẻ quan sát cô làm thí nghiệm: Sự phun trào của núi lửa
Lấy 1 cái ly cho bột sođa vào, chụp mô hình núi lửa lên cái ly, dùng 1 cái ly khác đựng giấm, cho màu thực phẩm và nước rửa chén vào rồi khuấy điều lên. Sau đó đổ ly giấm vào mô hình núi lửa thì lúc này hiện tượng kết tủa sẽ phun trào ra ngoài.
Cô chia trẻ làm 3 nhóm, cho trẻ về nhóm mình làm thí nghiệm.
Cô đến từng nhóm quan sát và hướng dẫn trẻ làm. Hỏi trẻ khi các con đỗ giấm vào thì hiện tượng gì xảy ra?
* Kết luận: Trong sođa có thành phần hóa học kết hợp với giấm có axit sẽ kết tủa sẽ tạo ra hiện tượng núi lửa phun trào.
* Ví dụ chủ đề: Thế giới thực vật.
+ Thí nghiệm nhỏ: sự đổi màu của nước bắp cải tím .
  • Trải nghiệm ở giờ hoạt động ngoài trời :
- Mục đích yêu cầu: Qua thí nghiệm trẻ thấy được nước bắp cải tím sẽ đổi màu
- Chuẩn bị: Nước bắp cải tím, nước chanh, bột barking sođa , hủ nhựa làm thí nghiệm   
- Tiến hành: Cô sẽ tạo điều kì diệu từ bắp cải tím.
  Cô luộc bắp cải tím này để lấy nước, các con xem có màu gì ? cô đã cắt chanh và sau đây cô sẽ vắt chanh vào nước bắp cải tím, chúng mình thử đoán xem điều gì xảy ra ?
Nước bắp cải tím chuyển sang màu gì ?( màu đỏ)
Bây giờ các con cùng xem cô làm ảo thuật nữa nha. Cũng nước bắp cải tím  cô cho bột barking sođa vào chúng mình thử đoán xem điều gì sẽ xảy ra ?
Nước bắp cải tím chuyển sang màu  gì ? (màu xanh)
Những thí nghiệm nhỏ, đơn giản đó đã giúp trẻ hiểu được phần nào những hiện tượng thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, qua đó giúp trẻ có được sự trải nghiệm thú vị và bổ ích, có thêm kiến thức mới bổ sung vào vốn kiến thức của trẻ .
* Ví dụ chủ đề: Dầu tiếng quê em - Bác Hồ kính yêu
+ Thực nghiệm 1: Sự biến đổi sắc màu
- Mục đích yêu cầu: Trẻ biết thực hiện thí nghiệm và nói được kết quả thí nghiệm, biết được xà phòng gặp nước sẽ đẩy nước ra xa làm các màu sắc biến đổi.
- Chuẩn bị: Dĩa, sữa tươi, màu nước, bông tăm, bông gòn, xà phòng rửa chén,
- Tiến hành: Cho trẻ xem nguyên vật liệu thí nghiệm
Các con sẽ làm gì với những đồ dùng đó?
- Cô thực hiện thí nghiệm cho trẻ quan sát: Đổ sữa vào dĩa, nhỏ các màu vào sữa. Sau đó dùng bông tăm hoặc bông gòn chấm vào chén xà phòng rồi nhúng vào dĩa sữa. Khi đó nước gặp xà phòng sẽ đẩy nước ra, kéo theo các màu sắc cũng biến đổi theo.
Cho trẻ về nhóm tự thực hành thí nghiệm
* Kết luận: Trong sữa có chứa nước thì khi bỏ xà phòng sữa sẽ đẩy nước ra xa xà phòng .
7.  Tổ chức hoạt động giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thông qua hoạt động lễ hội ở trường.
Việc tổ chức ngày hội, ngày lễ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục trẻ mầm non. Thông qua việc tổ chức lễ hội như : Ngày hội “Bé đến trường ” “Tết trung thu” “ngày nhà giáo việt nam” “lễ hội vui xuân ” “ tiếng hát dân ca trò chơi dân gian”, hình thành ở trẻ các kỹ năng, thái độ hành vi tích cực. Giáo dục trẻ biết chia sẻ, giúp đỡ, sống có quy tắc, tổ chức theo yêu cầu của xã hội, biết bảo vệ, giữ gìn môi trường nơi diễn ra lễ hội. Giáo dục trẻ biết phong tục, lối sống, văn hoá đối với môi trường thiên nhiên và cuộc sống con người qua đó khuyến khích, tạo cơ hội cho trẻ tham gia trải nghiệm, biết ứng phó với các tình huống xảy ra trong cuộc sống xung quanh trẻ
8. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền
Trong các hoạt động ở trường mầm non thì hoạt động nào cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Để làm tốt các biện pháp trên với vai trò là một giáo viên chủ nhiệm lớp, ngoài sự nỗ lực của bản thân. Tôi luôn tìm mọi cơ hội để trao đổi với phụ huynh về tình hình của trẻ ở lớp và việc khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động phù hợp. Để phụ huynh giúp đỡ, hỗ trợ, hợp tác một cách tích cực, tự giác và có hiệu quả thì vào buổi họp phụ huynh đầu năm học tôi đã thông qua chương trình giảng dạy của lớp, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng, mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của công tác giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đối với trẻ mầm non hiện nay đặc biệt là thực trạng của lớp để phụ huynh có ý kiến đóng góp về ý tưởng, công sức. Ở bảng tuyên truyền của lớp tôi thông báo rõ thời gian biểu, kế hoạch giảng dạy, chủ đề lớn, chủ đề nhánh, trao đổi trực tiếp với phụ huynh trong các giờ đón và trả trẻ. Mời phụ huynh tham quan lớp, tham quan triển lãm đồ dùng đồ chơi do tôi và trẻ tự làm, mời phụ huynh dự giờ một số hoạt động để phụ huynh hiểu rõ sự cần thiết của việc trang trí môi trường và việc làm đồ dùng, đồ chơi cũng như trong công tác nuôi dưỡng chăm sóc và giáo dục trẻ ở trường mầm non. Từ đó, phụ huynh tự nguyện đóng góp nhiều loại sách báo, tranh ảnh, cây xanh ở góc thiên nhiên, các loại nguyên vật liệu trong gia đình có thể tái sử dụng được như chai nhựa, vỏ hộp,...Ngoài việc phối kết hợp với cha mẹ học sinh trong việc sưu tầm nguyên vật liệu, tôi còn vận động cha mẹ trẻ cho trẻ đi tham quan những khu vui chơi giải trí để tạo cho trẻ nhiều kinh nghiệm sống. Từ đó trẻ có thêm nhiều hiểu biết về đời sống xung quanh trẻ. Vì vậy việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đạt kết quả tốt thì phải biết kết hợp hài hòa các biện pháp trên và không thể thiếu một trong những biện pháp đó. Bên cạnh đó là ý thức trách nhiệm và tình yêu thương của cô giáo đối với trẻ. Bởi “khi cô giáo là mẹ hiền thì các cháu sẽ là con ngoan.
III.  KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
   Như vậy, qua những năm thực hiện chuyên đề chuyên đề “xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”giai đoạn (2016 -2020) với nội dung trọng tâm “Đổi mới việc tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” đi sâu và thực hiện nghiên cứu tài liệu, kinh nghiệm của bản thân, sự cộng tác của đồng nghiệp, sự chỉ đạo sát sao của Ban giám hiệu cũng như sự ủng hộ tích cực của các bậc cha mẹ, đã giúp tôi đạt được một số kết quả khả quan trong những năm qua như sau:
1. Về phía giáo viên.
Qua một thời gian tìm tòi nghiên cứu các biện pháp thích hợp, lớp tôi đã có một kết quả rất tốt. Có được kết quả như vậy đó là sự nỗ lực phấn đấu của bản thân tôi kết hợp với đồng nghiệp đặc biệt Ban giám hiệu nhà trường luôn sát cánh cùng tôi cải tiến, đổi mới những biện pháp, hình thức sao cho phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ để có được kết quả như vậy tôi đã rút ra những kinh nghiệm sau:
Biết cách sắp xếp môi trường học tập phù hợp với độ tuổi, có sự chuyển biến tích cực,  biết lồng ghép đan xen giữa các hoạt động, say mê sưu tầm và sử dụng sáng tạo các vật liệu sẵn có vào từng hoạt động học và các hoạt động khác, biết lựa chọn đổi mới phương pháp linh hoạt đáp ứng theo yêu cầu của hoạt động theo từng chủ đề.
Nắm vững phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, tự tin khi thực hiện các hoạt động chăm sóc giáo dục, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng và thực hiện kế hoạch.
Truyền đạt kiến thức cho trẻ thật đơn giản, dễ hiểu dựa vào điều kiện thực tế sẵn có tránh xa vời, gò ép trẻ, không phức tạp làm trẻ khó hiểu, khi cùng trẻ khám phá cô hãy là người bạn ân cần, cởi mở giúp trẻ thấy hào hứng và gần gũi hơn.
Nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lí nhu cầu, hứng thú, khả năng của trẻ cần nắm bắt được gì từ đó cô giáo lấy trẻ làm trung tâm và thiết kế các hoạt động giáo dục hiệu quả nhất.
Làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh tạo uy tín tiềm năng đối với phụ huynh và trẻ, được phụ huynh yêu thương và tín nhiệm.
2. Đối với phụ huynh.
100% phụ huynh đã nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục lấy trẻ làm trung tâm đối với sự phát triển nhân cách của trẻ, có ý thức trong việc phối hợp với nhà trường để nâng cao hiệu quả chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Nhiều phụ huynh đã tạo điều kiện cho trẻ được tham gia các hoạt động tại gia đình như: cho trẻ đi chợ, siêu thị, công viên, phân việc cho trẻ, hướng dẫn trẻ tự làm những công việc phục vụ bản thân như: Trẻ tự gấp quần aó, tự mang giày dép, tự đeo ba lô, tự vào lớp...Thường xuyên tương tác với trẻ bằng cách đặt các câu hỏi mở về những gì đã và đang xảy trong cuộc sống xung quanh trẻ. Giao tiếp giữa cha mẹ với trẻ trở nên gần gũi hơn, thường xuyên chia sẻ với con hơn, quan tâm cung cấp các kiến thức mới cho trẻ, giải đáp những câu hỏi tò mò cuả trẻ. Bên cạnh đó phụ huynh cảm thấy hài lòng với kết quả của con mình đạt được và đã có sự quan tâm bằng việc ủng hộ các nguyên vật liệu để tôi và giáo viên trong lớp tận dụng làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ hoạt động. Qua đó, chất lượng và các kỹ năng của trẻ đã được nâng lên rõ rệt.
Với lòng yêu nghề, ham học hỏi, tìm tòi các “Giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thông qua các hoạt động theo hướng trải nghiệm cho trẻ 4 -5 tuổi”. Qua một thời gian áp dụng, tôi thấy việc tiếp thu của trẻ có nhiều tiến bộ:
3. Về phía trẻ.
Trẻ hồn nhiên mạnh dạn trong mọi hoạt động, phát huy được tính tích cực, mở rộng được sự hiểu biết trong các hoạt động chung, giờ hoạt động vui chơi, hoạt động trải nghiệm,...trẻ biết thể hiện ý kiến, ý định của mình với cô và các bạn trong từng hành động, lời nói, kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ, trí tưởng tượng trong từng sản phẩm của trẻ tăng lên rỏ rệt.  Trẻ đạt các kỹ năng quan sát, Trẻ hứng thú tham gia vào giờ học, chủ động, sáng tạo vào thực tế, năng động, mạnh dạn, tự tin, có kỹ năng sống và khả năng giao tiếp với bạn, những người xung quanh, thích được nói lên ý kiến của mình, sử dụng ngôn ngữ của trẻ rỏ ràng, mạch lạc, nói tròn câu thông qua các hoạt động hàng ngày cũng như trong cuộc sống của trẻ, qua các năm bản thân tôi thực hiện chăm sóc giáo dục trẻ tại khối lớp chồi cho kết quả thể hiện ở bảng biểu như sau:
- Năm 2015 - 2016 lớp chồi 1 có 28/11 trẻ nữ
- Năm 2016 - 2017 lớp chồi 2 có 30/16 trẻ nữ
- Năm 2017 - 2018 lớp chồi 2 có 26/15 trẻ nữ
- Năm 2018 - 2019 lớp chồi 1 có 30/16 trẻ nữ
- Năm 2019 - 2020 lớp chồi 2 có 28/19 trẻ nữ












Có thể thấy rằng thực hiện đổi mới hình thức và phương pháp giáo dục mầm non trong suốt những năm qua đã đem lại kết quả và chuyển biến tốt trong phương pháp giáo dục trẻ, qua đổi mới đã tạo cơ hội cho trẻ được tìm tòi khám phá phát huy năng lực sẵn có của mình, trẻ được hoạt động một cách thoải mái ở các góc chơi, kích thích sự tò mò, ham hiểu biết của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ trải nghiệm, được hoạt động với các nguyên liệu sẵn có, trẻ tích cực hoạt động, tự khám phá bằng các giác quan, chú trọng đến giáo dục cá nhân, kết hợp giáo dục trong nhóm giữa các hoạt động, tăng cường giao tiếp giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, với mọi người xung quanh. Giáo viên linh hoạt, sáng tạo không bị gò bó khi tổ chức các hoạt động cho trẻ nhất là hoạt động trải nghiệm, giáo viên có thể sử dụng tối đa nguồn nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương, để làm phong phú các hoạt động của trẻ, trẻ ham học nghiên cứu tìm tòi khám phá giao tiếp ngôn ngữ tình cảm.
Đối với giáo viên biết cách sắp xếp môi trường học tập phù hợp, chất lượng chuyên môn của bản thân và đồng nghiệp được nâng lên rõ rệt, bản thân nắm vững phương pháp dạy học lấy trẻ làm trung tâm, có hình thức các hoạt động linh hoạt sáng tạo, có tác phong sư phạm tốt, biết lồng ghép đan xen giữa các bộ môn để giáo dục trẻ phù hợp, các cháu học có nề nếp có chất lượng. Kiểm tra chất lượng trẻ cuối năm theo 5 lĩnh vực phát triển đạt tỷ lệ cao.
Có thể nói việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là thực sự cần thiết và rất quan trọng. Thông qua chơi, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện. Một môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi và học trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Xây dựng tốt môi trường giáo dục trong trường mầm non là phương tiện, điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1.Vì:Trẻ em hôm nay – Thế giới ngày mai
             Tôi xin chân thành cảm ơn!
                                                                                                      Thanh An, ngày 15  tháng  05  năm 2020
                                                                                                                           Người viết
 
                                                                                                                                                          Nguyễn Thị Bích Liên
 
 
                                                                                                         

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thực đơn

Bữa sáng:

Bữa trưa:

Bữa xế:

Bữa chiều:

Văn bản mới

702/SGDĐT-GDTrHTX

Ngày ban hành: 02/04/2024. Trích yếu: Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương thông báo công khai danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục kỹ năng sống trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được cấp phép theo thẩm quyền.

Ngày ban hành: 02/04/2024

KH số 37/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 21/06/2024. Trích yếu: Tuyển sinh MN

Ngày ban hành: 21/06/2024

QĐ số 66/QĐ-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: Công nhận BDTX THCS

Ngày ban hành: 12/06/2024

QĐ số 65/QĐ-PGDĐT

Ngày ban hành: 12/06/2024. Trích yếu: công nhận BDTX MN

Ngày ban hành: 12/06/2024

CV số 112/PGDĐT-GDTH

Ngày ban hành: 03/06/2024. Trích yếu: Tổ chức giữ trẻ ...

Ngày ban hành: 03/06/2024

CV số 104/PGDĐT-MN

Ngày ban hành: 29/05/2024. Trích yếu: giữ trẻ trong hè

Ngày ban hành: 29/05/2024

KH số 34/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 27/05/2024. Trích yếu: Ngày thứ 7 văn minh

Ngày ban hành: 27/05/2024

KH số 33/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 27/05/2024. Trích yếu: tuyển sinh lớp 1

Ngày ban hành: 27/05/2024

CV số 100/PGDĐT-TĐKT

Ngày ban hành: 27/05/2024. Trích yếu: Hướng dẫn xét TĐKT

Ngày ban hành: 27/05/2024

CV số 99/PGDĐT-TH

Ngày ban hành: 23/05/2024. Trích yếu: Triển khai chương trình GD kỹ năng sống

Ngày ban hành: 23/05/2024

Video Clips

Album ảnh

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm nhất điều gì khi con đến trường?

banner1
Banner 2
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi